BỘ CÔNG THƯƠNG
VIỆN NGHIÊN CỨU CHIẾN LƯỢC, CHÍNH SÁCH CÔNG THƯƠNG

Hội nghị Chiến lược phát triển ngành sữa Việt Nam

10/01/2025

Sáng ngày 07/01/2025, tại hội trường tầng 2, trụ sở Bộ Công Thương, 23 Ngô Quyền, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị nhằm tiếp tục lấy ý kiến về Dự thảo “Chiến lược phát triển ngành sữa giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Hội nghị do Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài chủ trì.

Tới dự Hội nghị có sự tham gia nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực sữa ở Việt Nam; đại diện Cục công nghiệp - Bộ Công Thương; đại diện Hiệp hội Sữa Việt Nam; đại diện một số doanh nghiệp sữa. Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương tham dự Hội nghị có Viện trưởng Nguyễn Văn Hội, đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Viện cùng thành viên ban soạn thảo Chiến lược.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Trương Thanh Hoài cho biết: Chiến lược phát triển ngành sữa giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có ý nghĩa quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Sau hơn 10 năm thực hiện quy hoạch phát triển ngành công nghiệp chế biến sữa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 tại Quyết định số 3399/QĐ-BCT ngày 28 tháng 6 năm 2010, các định hướng phát triển ngành công nghiệp chế biến sữa Việt Nam đến nay đã đạt được một số mục tiêu đề ra. Năm 2023 sản lượng sữa tươi của cả nước đạt khoảng 1,86 tỷ lít, sữa bột đạt khoảng 154,8 nghìn tấn. Nguồn sữa tươi khai thác từ đàn bò sữa trong nước mới chỉ đáp ứng khoảng 38% nhu cầu sữa chế biến, mức tiêu thụ sữa bình quân đầu người cũng có sự gia tăng đáng kể, đạt khoảng 27kg/người/năm. Nhiều sản phẩm của công ty sữa được người tiêu dùng tin dùng. Sản phẩm của các doanh nghiệp ngành sữa không những được tiêu thụ ở thị trường nội địa mà còn được xuất khẩu sang thị trường gần 50 nước trên thế giới.

Trước xu thế phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế với việc tham gia ký kết Hiệp định thương mại tự do như CPTPP, AFTA, EVFTA… sẽ tạo nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp ngành sữa phát triển ngày càng lớn mạnh. Sản phẩm của ngành sữa sẽ có cơ hội lớn xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Song hành với những cơ hội trên là các thách thức mới cho sự phát triển của ngành sữa Việt Nam như sức ép cạnh tranh từ các doanh nghiệp ngoại, sự thay đổi về thị hiếu và thói quen của người tiêu dùng với sản phẩm sạch, sản phẩm sữa hữu cơ, sản phẩm sữa công thức mới.

Thứ trưởng Bộ Công Thương - ông Trương Thanh Hoài chủ trì Hội nghị

Nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Chiến lược ngành sữa được xây dựng đóng vai trò quan trọng giúp định hướng cho doanh nghiệp ngành có hướng đi mới sáng tạo, phù hợp để phát triển. Chiến lược phát triển ngành sữa giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhằm hiện thực hóa các mục tiêu đã được đặt ra trong giai đoạn mới; phát triển bền vững ngành sữa Việt Nam, để ngành công nghiệp chế biến sữa trở thành ngành có công nghệ tiên tiến với cơ cấu ngành hợp lý, sản phẩm chế biến đa dạng, có giá trị gia tăng cao đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Sữa mang thương hiệu Việt Nam tham gia ngày càng sâu vào thị trường khu vực và thế giới.

Hội nghị Chiến lược phát triển ngành sữa được tổ chức với mục tiêu tạo diễn đàn để các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý và doanh nghiệp ngành cùng trao đổi, thảo luận, chia sẻ những đánh giá, giải pháp và khuyến nghị nhằm mục tiêu phát triển bền vững ngành sữa Việt Nam, để ngành sữa ngày càng trở thành ngành có đóng góp nhiều hơn vào nền kinh tế.

Toàn cảnh Hội nghị

Tại phiên thảo luận, các đại biểu và các doanh nghiệp sữa đã đưa ra nhiều ý kiến đề xuất để phát triển ngành công nghiệp sữa Việt Nam như: muốn phát triển ngành công nghiệp sữa phải dựa trên ngành chăn nuôi bò sữa; nhà nước cần có chính sách tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp khi đầu tư ra nước ngoài trong khâu cấp phép và hướng dẫn về quy trình, thủ tục làm việc với cơ quan nhà nước trong kiểm dịch hàng hóa… Cần quy định chính sách ưu đãi để phát triển ngành công nghiệp sữa theo hướng đồng bộ từ hoạt động chăn nuôi, hỗ trợ doanh nghiệp về quỹ đất trong phát triển bò sữa. Về công tác truyền thông, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền Người Việt Nam ưu tiên dùng sữa Việt Nam; cũng như có những quy định, chính sách để các đối tượng là công nhân lao động tại các khu vực sản xuất công nghiệp đặc biệt tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, cụm công nghiệp có thể thuận lợi tiếp cận sử dụng sữa, đảm bảo sức khỏe cho người lao động…

Ông Ngô Minh Hải - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần chuỗi thực phẩm TH  phát biểu tại Hội nghị

 Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài cảm ơn các quý vị đại biểu đã dành thời gian tham dự và đóng góp ý kiến tại hội nghị. Thứ trưởng đề nghị Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách Công Thương tiếp thu và tiếp tục hoàn thiện Chiến lược, đồng thời đề nghị Cục Công nghiệp đẩy nhanh công tác xây dựng các chương trình về quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh sữa.

                                                                      Ngô Mai Hương

Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT