NGHIÊN CỨU

Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương

Trang chủ >> Nghiên cứu

Một số nhiệm vụ giải pháp để ngành Công Thương Phú Thọ phát triển nhanh và bền vững

07/03/2024

Năm 2023, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và hướng dẫn kịp thời của các bộ, ngành, hoạt động ngành Công Thương đã đạt một số kết quả quan trọng: Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 17,3%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 15,4% so với cùng kỳ. Công tác quản lý Nhà nước được triển khai tích cực và đồng bộ trên các lĩnh vực thuộc ngành Công thương; các chương trình xúc tiến thương mại, thương mại điện tử được triển khai hiệu quả. Chỉ số thương mại điện tử của tỉnh năm 2023 đứng thứ 23/58 tỉnh được đánh giá xếp hạng, tăng 12 bậc so với năm 2022. Để tiếp nối kết quả đạt được trong năm 2023, ngay từ những tháng đầu năm 2024, hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại trên địa bàn tỉnh duy trì ổn định, toàn ngành đạt mức tăng trưởng khá.

Về sản xuất công nghiệp

Theo báo cáo của Tổng cục thống kê tỉnh Phú Thọ số 130/BC-CTK ngày 26/2/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 02/2024 giảm 14,6% so với tháng trước, trong đó ngành công nghiệp khai khoáng giảm 19,25%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 14,73%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí giảm 12,45%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 2,07%.

Lũy kế 2 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp Phú Thọ tăng 26,85% so với cùng kỳ, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực dẫn dắt với mức tăng rất cao 27,55%; với nhóm ngành sản xuất và phân phối điện,  khí đốt, nước nóng và điều hòa không khí tăng 15,51%; nhóm ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thảỉ tăng 13,97%; nhóm ngành khai khoáng giảm 6,71%. Trong đó có một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 2 tháng năm 2024 tăng so với cùng kỳ bao gồm: Máy tính xách tay, kể cả notebook và subnotebook ước đạt 1,6 triệu chiếc, tăng 172,9%; mạch điện tử tích hợp ước đạt 15 triệu chiếc, tăng 108,3%; phân supe photphat (P2O5) ước đạt 65,6 nghìn tấn, tăng 16,4%; phân NPK ước đạt 71,1 nghìn tấn, tăng 16%; nước máy ước đạt 6,8 triệu m3 , tăng 14,5%; cao lanh ước đạt 57,6 nghìn tấn, tăng 4,5%; giày thể thao ước đạt 710,5 nghìn đôi, tăng 3,1%; sợi toàn bộ ước đạt 1,9 nghìn tấn, tăng 0,9%; giấy và bìa các loại ước đạt 39,7 nghìn tấn, tăng 0,04%;...

Bên cạnh đó, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tháng 2/2024 tăng 0,68% so với tháng trước và tăng 6,69% so với tháng cùng kỳ năm trước. Một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 2/2024 có lao động tăng so với cùng kỳ gồm: Sản xuất thiết bị điện tăng 162,9%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế) tăng 56,5%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác tăng 37,6%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 26,7%; khai khoáng khác tăng 4,3%; sản xuất đồ uống tăng 0,3%;...

Về thương mại, dịch vụ, giá cả

Các hoạt động kinh doanh thương mại - dịch vụ trên địa bàn tỉnh diễn ra sôi động, sức mua các mặt hàng tăng mạnh. Các cấp, các ngành thực hiện tốt công tác quản lý, điều hành, cân đối, cung cầu hàng hoá, bình ổn giá cả thị trường, chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm,… qua đó đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của người dân .

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 02/2024 ước đạt 4.690,7 tỷ đồng, tăng 18,8% so với cùng kỳ 2023, doanh thu bán lẻ ước đạt 3.946,1 tỷ đồng, chiếm 84,1% tổng mức, tăng 22,3%; Doanh thu bán lẻ trong tháng tăng so với cùng kỳ tập trung ở các nhóm hàng: Lương thực, thực phẩm tăng 34,9%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 30,1%; hàng hoá khác tăng 27,3%; hàng may mặc tăng 20,3%; xăng, dầu các loại tăng 18,9%; nhiên liệu khác (trừ xăng dầu) tăng 18,1%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 16,4%; phương tiện đi lại, trừ ô tô con (kể cả phụ tùng) tăng 8%; ô tô con (dưới 9 chỗ ngồi) tăng 5,6%; vật phẩm, văn hoá, giáo dục tăng 0,4%; doanh thu dịch vụ sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác tăng 0,3%;... Riêng đá quý, kim loại quý, sản phẩm từ đá quý giảm 4,9% so với tháng cùng kỳ.

Tính chung 2 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dung trên địa bàn tỉnh Phú Thọ ước đạt 9.359,8 tỷ đồng, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, doanh thu bán lẻ ước đạt 7.886,1 tỷ đồng, chiếm 84,3% tổng mức, tăng 18,2%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 894,6 tỷ đồng, chiếm 9,6% tổng mức, tăng 6,4%; doanh thu dịch vụ lữ hành và dịch vụ khác ước đạt 579,1 tỷ đồng, chiếm 6,2% tổng mức, giảm 5,2%.

Về xuất, nhập khẩu:

Tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa tháng 02/2024 ước đạt 862,4 triệu USD, tăng 19,2%; tổng giá trị nhập khẩu hàng hóa ước đạt 847 triệu USD, tăng 38% so với tháng cùng kỳ năm 2023. Tính chung 2 tháng năm 2024, xuất khẩu ước đạt 1.876,9 triệu USD, tăng 43,7%; nhập khẩu ước đạt 1.843,4 triệu USD, tăng 72,5% so với cùng kỳ năm trước.

Mục tiêu và nhiệm vụ năm 2024

Năm 2024, ngành đề ra một số mục tiêu chủ yếu: Tốc độ tăng trưởng công nghiệp đạt 10,3%; phấn đấu giá trị tăng thêm công nghiệp đạt 16.800 tỉ đồng; tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 6,5%; tổng giá trị xuất, nhập khẩu đạt 23 tỉ USD trở lên

Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, ngành Công Thương Phú Thọ cần triển khai thực hiện các nhiệm vụ sau:

Tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo tiền đề thu hút các doanh nghiệp có quy mô, chất lượng.

Tập trung hoàn thiện các quy hoạch, kế hoạch; rà soát, bổ sung kịp thời các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; đề xuất với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến thủ tục đầu tư, đất đai, tiếp cận vốn tín dụng, lao động. Xây dựng kế hoạch triển khai quy hoạch tỉnh, quy hoạch chung thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ; tổ chức triển khai quy hoạch, kế hoạch phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp, kế hoạch sử dụng đất.

Tập trung ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có giá trị và có năng suất cao, theo hướng kết hợp hài hòa cả chiều rộng và chiều sâu. Trong đó trọng tâm là sản phẩm hóa chất, thiết bị điện tử viễn thông, dược phẩm và thiết bị y tế và các ngành công nghiệp khác như may mặc, dệt may, da giày, thức ăn gia súc và chế biến thực phẩm; quan tâm phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kịp thời cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước, tạo sự đồng thuận của doanh nghiệp và người dân trong thực thi các nhiệm vụ thuộc ngành quản lý. Tích cực cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đổi mới, hiện đại hóa công nghệ, mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cơ cấu lại ngành Công Thương dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án hạ tầng trọng điểm. Thực hiện đồng bộ, đa dạng các giải pháp huy động nguồn lực để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ mục tiêu phát triển công nghiệp của tỉnh. Đối với công tác phát triển năng lượng, cần đẩy nhanh tiến độ triển khai, hoàn thành các dự án trọng điểm về hạ tầng giao thông, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu đô thị; triển khai kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, triển khai lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư phát triển lưới điện, bảo đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt.

Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư với các hình thức hiệu quả, phù hợp; tích cực giới thiệu, quảng bá các tiềm năng, cơ hội đầu tư của tỉnh; chủ động tiếp cận, hỗ trợ, mời gọi các nhà đầu tư chiến lược; ưu tiên thu hút các nhà đầu tư chiến lược, dự án có quy mô lớn, công nghệ cao trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Thường xuyên rà soát, đánh giá tình hình tiến độ thực hiện dự án; kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tiến độ thực hiện các dự án, nhất là các dự án trọng điểm, các dự án đã hoàn thành các thủ tục đầu tư, bàn giao mặt bằng và thi công xây dựng hạ tầng; kiên quyết xử lý, thu hồi các dự án treo, chậm tiến độ theo đúng quy định của pháp luật. Phấn đấu thu hút 8-10 dự án đầu tư FDI trong lĩnh vực chế biến chế tạo, có giá trị gia tăng cao. Đẩy mạnh công tác phát triển doanh nghiệp, phát triển kinh tế tập thể, thúc đẩy sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị.

Tập trung chỉ đạo, xử lý kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất công nghiệp. Tăng cường nắm bắt tình hình, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất tiếp cận vốn tín dụng, thị trường, thủ tục đầu tư, đất đai. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ về tín dụng, miễn giảm, thuế, phí; tăng cường quản lý chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ. Đảm bảo bàn giao mặt bằng cho các dự án; đôn đốc, yêu cầu các nhà đầu tư, chủ dự án thực hiện đảm bảo đúng tiến độ theo cam kết. Hoàn thiện thủ tục đầu tư, giao đất để khởi công đầu tư mới, mở rộng các dự án; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án sản xuất sớm hoàn thành, đi vào hoạt động; phấn đấu tốc độ tăng trưởng công nghiệp đạt từ 10% trở lên.

Tiếp tục phát triển, nâng cao chất lượng các ngành dịch vụ; tập trung vào các ngành dịch vụ chất lượng cao, có lợi thế, các ngành thiết yếu đế hỗ trợ phát triển công nghiệp; từng bước hình thành, phát triển một số dịch vụ trung tâm vùng có lợi thế; phấn đấu ngành dịch vụ tăng trưởng trên 6,5%. Đẩy mạnh các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, kết nối cung cầu, phát triển thương mại điện tử; hỗ trợ khai thác hiệu quả thị trường nội địa, đưa hàng hóa lên sàn thương mại điện tử. Thông tin kịp thời các tiêu chuẩn mới của thị trường xuất khẩu, các hiệp định thương mại thế hệ mới (FTA) đế mở rộng thị trường xuất khẩu; đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại. Thúc đẩy phát triển du lịch; tăng cường quảng bá, xúc tiến, liên kết hợp tác phát triển du lịch; đẩy mạnh phát triển, đa dạng hóa các loại hình du lịch cùng với phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao các chỉ số đo lường về môi trường đầu tư như PCI, PAPI, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào tỉnh nói chung và đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nói riêng. Chú trọng cải cách quyết liệt, thực chất và hiệu quả thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, kịp thời loại bỏ, tháo gỡ các rào cản, khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh, đảm bảo thông thoáng và dễ thực hiện, hấp dẫn các nhà đầu tư. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại và phát triển thương hiệu đối với các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo.

Tăng cường huy động các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước, các nguồn vốn từ các chương trình, dự án. Trong đó, tăng cường huy động các nguồn vốn trong nước thông qua các hình thức thu hút đầu tư trực tiếp, hợp tác, liên kết, liên doanh của các tập đoàn, các công ty lớn, các ngành và các thành phố lớn trong cả nước, tập trung vào các dự án có quy mô sản xuất lớn, công nghệ cao, dây chuyền sản xuất tiên tiến. Tỉnh cũng sẽ chủ động hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giúp doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhất là các doanh nghiệp mới tham gia thị trường về thủ tục hành chính, tiếp cận đất đai.

Ngoài ra, tỉnh cũng cần tập trung đào tạo lao động chất lượng, tay nghề cao, phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Tăng cường hợp tác giữa tỉnh Phú Thọ với các tỉnh trong vùng Trung du, miền núi phía Bắc, vùng Thủ đô, xây dựng quy chế phối hợp, các chương trình hợp tác về phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo để sử dụng hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương trong khu vực./.

Đinh Thị Bích Liên

Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT

BÀI VIẾT KHÁC