NGHIÊN CỨU

Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương

Trang chủ >> Nghiên cứu

Vĩnh Phúc đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử đến năm 2030

13/03/2024

Phát triển thương mại điện tử là xu hướng tất yếu trong quá trình chuyển đổi số, xây dựng xã hội số, kinh tế số. Thời gian qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, từng bước đưa thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh mẽ. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực của doanh nghiệp, thay đổi thói quen mua sắm, tiêu dùng của người dân, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

1. Tình hình phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh hiện nay

Trong giai đoạn năm 2021 - 2023, tỉnh luôn duy trì vị trí tốp 15 tỉnh có chỉ số phát triển thương mại điện tử tốt nhất cả nước với 19,6 điểm. Cụ thể: Hạ tầng viễn thông, internet có sự phát triển rõ rệt với mạng lưới phủ kín rộng khắp các vùng miền trên địa bàn, tạo tiền đề cho việc thúc đẩy thương mại điện tử; toàn tỉnh hiện có 5 nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, internet, truyền hình với 700 tuyến cáp quang có tổng chiều dài hơn 4.500 km được kết nối đến 100% các địa phương trong tỉnh. Với hơn 3.000 trạm thu phát sóng thông tin di động phủ sóng mạng 2G, 3G, 4G, 5G, số lượng thuê bao sử dụng điện thoại thông minh hơn 1,1 triệu thuê bao, chiếm 86% tổng số thuê bao di động toàn tỉnh, cao hơn mức trung bình của cả nước; hơn 3.800 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông và công nghệ số. Về hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt, trên địa bàn có gần 240 ATM, hơn 890 POS lắp đặt tại các cơ sở kinh doanh, siêu thị, cửa hàng bán lẻ, nhà hàng, khách sạn, cơ sở y tế; tổng số lượng sản phẩm thương mại của tỉnh có mặt trên các sàn thương mại điện tử là hơn 1.500 sản phẩm. 100% cán bộ công chức, viên chức Nhà nước được trả lương qua tài khoản ngân hàng; tỷ lệ thanh toán tiền điện, nước không sử dụng tiền mặt trên địa bàn tỉnh đạt trên 82%.

Bên cạnh các kết quả đạt được thì phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh còn tồn tại nhiều hạn chế: Nhiều doanh nghiệp chưa có chiến lược cũng như đầu tư thích đáng để khai thác các ứng dụng thương mại điện tử theo chiều sâu, chưa bắt kịp những tiến bộ công nghệ mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Hệ sinh thái cho thương mại điện tử bao gồm dịch vụ thanh toán, logistics và các dịch vụ phụ trợ mới chỉ đang trong giai đoạn hoàn thiện. Hạ tầng, chất lượng vận chuyển, thời gian vận chuyển, thủ tục thông quan, chi phí, các dịch vụ theo dõi và truy xuất đơn hàng vẫn chưa phát triển đồng bộ và còn bộc lộ nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, sự tăng trưởng nóng của thị trường thương mại điện tử dẫn đến hệ lụy là các hành vi gian lận thương mại, hàng gian, hàng giả và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cũng xuất hiện ngày càng nhiều trên môi trường điện tử. Chỉ số phát triển thương mại điện tử của tỉnh thường xuyên duy trì trong nhóm 15 tỉnh có chỉ số tốt nhất cả nước, nhưng so với các tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước, vẫn còn khoảng cách khá xa về điểm số. Hiện nay, chưa có doanh nghiệp trên địa bàn chủ động ký hợp đồng với các sàn thương mại điện tử quốc tế lớn như Amazon, Alibaba, Ebay, BestBuy, Walmart…để thực hiện giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới.

Để tiếp tục thúc đẩy phát triển TMĐT, các cấp, ngành của tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, kinh doanh, thực hiện chuyển đổi số, xây dựng website phù hợp với mô hình sản phẩm của từng đơn vị. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp đưa các mặt hàng có chất lượng trên địa bàn tỉnh vào hệ thống các siêu thị, sàn thương mại điện tử trong nước và quốc tế, tham gia triển lãm trực tuyến, kết nối cung cầu sản phẩm hàng hóa dịch vụ; hỗ trợ để các doanh nghiệp của tỉnh tham gia các diễn đàn hợp tác quốc tế và thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu xuyên biên giới trong lĩnh vực thương mại điện tử. Đặc biệt, mới đây UBND tỉnh đã ký Quyết định số 2361/QĐ-UBND ngày 1/11/2023 ban hành Đề án Phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030.

2. Quan điểm, định hướng phát triển TMĐT đến 2025, tầm nhìn 2030

2.1 Quan điểm phát triển

Phát triển thương mại, thương mại điện tử nhanh nhưng phải bền vững, tập trung vào việc phát triển hệ sinh thái thương mại điện tử để tạo môi trường cho phát triển thị trường thương mại điện tử, ưu tiến phát triển các phương thức thương mại điện tử cơ bản như B2B, B2C, B2G, C2C, C2B, C2G.

Tập trung hình thành các chuỗi cung ứng cho các DN nhỏ và vừa trên môi trường số. Phát triển các lĩnh vực phân phối, bán lẻ, vận tải, logistics. Thu hút đầu tư để phát triển kết cấu hạ tầng thương mại điện tử: Hình thành các sàn giao dịch TMĐT quy mô cấp vùng, các Kho thương mại điện tử cấp tỉnh.

Phát triển nhanh TMĐT trên cơ sở huy động tối đa mọi nguồn lực, dựa trên nền tảng số, công nghệ mới; coi TMĐT là công cụ quan trọng để hiện đại hóa lĩnh vực thương mại của tỉnh tiệm cận với các tỉnh, thành phố lớn của cả nước trong giai đoạn tới.

Khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia phát triển TMĐT xuyên biên giới. Huy động các nguồn lực nhà nước, nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng hệ sinh thái thương mại điện tử hiện đại.

2.2. Định hướng phát triển

Phát triển thương mại điện tử trở thành hình thức thương mại chủ đạo, khai thác có hiệu quả hơn xu hướng số hóa với sự phát triển của phương thức thanh toán điện tử và các công cụ thanh toán mới, không dùng tiền mặt; tăng cường đầu tư, phát triển công nghệ, kết nối hạ tầng, đầu tư cho công nghệ thông tin để đảm bảo tính an toàn và thuận tiện cho người tiêu dùng trong quá trình tham gia giao dịch thương mại điện tử.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thương mại điện tử theo hướng chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của quá trình phát triển thương mại điện tử trong nước và xuyên biên giới. Tập trung ưu tiên phát triển các loại hình thương mại thương mại điện tử có tính lan tỏa, có tác động đáng kể trong hỗ trợ sản xuất và lưu thông. Đặc biệt chú trọng quan tâm phát triển một số loại hình cơ bản như B2B, B2C, C2B, C2C tập trung hình thành được một hệ thống trung tâm logistics cơ bản hoàn chỉnh, kho thương mại điện tử có quy mô lớn có tính liên kết cao, ưu tiên xây dựng hạ tầng kho giao vận hoàn chỉnh và hiện đại.

Xây dựng và phát triển hệ sinh thái thương mại điện tử đồng bộ và hiện đại (Hệ thống hạ tầng thương mại điện tử, nền tảng thương mại điện tử, Dịch vụ phát triển TMĐT, Sàn TMĐT, Hệ thống vận chuyển…) phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của thị trường thương mại điện tử.

Hình thành một số doanh nghiệp có quy mô lớn hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ thương mại điện tử có khả năng dẫn dắt thị trường TMĐT trong tỉnh và khu vực.

Đổi mới công tác quản lý nhà nước đối với thương mại điện tử theo hướng tôn trọng quy tắc vận hành của thị trường TMĐT, chủ động tổ chức thực thi chặt chẽ các quy định của pháp luật đối với lĩnh vực chống hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại, thâu tóm thị trường, hạn chế cạnh tranh và cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm lợi ích của người tiêu dùng;

3. Mục tiêu phát triển TMĐT đến 2025, tầm nhìn đến 2030

3.1. Mục tiêu chung:  Xây dựng thị trường TMĐT phát triển nhanh, lành mạnh, có tính cạnh tranh và bền vững trong nền kinh tế số, là bệ đỡ, điểm tựa vững chắc cho sản xuất và tiêu dùng; xây dựng thương hiệu sản phẩm hàng hóa Vĩnh Phúc trên các sàn giao dịch thương mại điện tử lớn của quốc gia và quốc tế, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về phát triển kinh tế xã hội, tạo tiền đề vững chắc để tham gia vào thị trường thương mại quốc tế.

Đến năm 2025 đưa tỉnh Vĩnh Phúc là tỉnh có thị trường thương mại điện tử phát triển, chỉ số thương mại điện tử duy trì thuộc nhóm 15 tỉnh dẫn đầu của cả nước, đạt trên 30/100 điểm.

Phấn đấu đến năm 2030 đưa tỉnh Vĩnh Phúc là tỉnh có thị trường thương mại điện tử phát triển, chỉ số thương mại điện tử thuộc nhóm 10 tỉnh dẫn đầu của cả nước. Các chỉ tiêu đạt được phải cao hơn mục tiêu chung của cả nước. Đặc biệt, cần thu hẹp khoảng cách về điểm số phát triển TMĐT với các tỉnh, thành đứng đầu cả nước. Mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm hàng hóa chủ lực, sản phẩm ocop trong và ngoài nước thông qua ứng dụng thương mại điện tử; đẩy mạnh giao dịch thương mại điện tử xuyên biến giới.

3.2 Mục tiêu cụ thể đến năm 2025

a) Về quy mô thị trường thương mại điện tử:

- Đạt khoảng 55% người dân trên địa bàn 2 thành phố Vĩnh Yên, Phúc Yên và 30% người dân trên địa bàn các huyện tham gia mua sắm trực tuyến;

- Doanh số thương mại điện tử B2C (tính cho cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trực tuyến) chiếm hơn 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của tỉnh;

b) Về hạ tầng các dịch vụ phụ trợ cho thương mại điện tử:

- Thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt khoảng 55% trong đó thanh toán thực hiện qua các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán chiếm khoảng 80%;

- Chi phí trung bình cho chuyển phát và hoàn tất đơn hàng chặng cuối chiếm khoảng 10% giá thành sản phẩm trong thương mại điện tử;

- 70% các giao dịch mua hàng trên trang web/ứng dụng thương mại điện tử có hóa đơn điện tử.

c) Về ứng dụng thương mại điện tử trong doanh nghiệp:

 - 80% trang web thương mại điện tử có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến;

- 50% doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử, bao gồm mạng xã hội có chức năng sàn giao dịch thương mại điện tử;

- 40% doanh nghiệp tham gia hoạt động thương mại điện tử trên các ứng dụng di động;

- 70% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông triển khai hợp đồng điện tử với người tiêu dùng;

d) Về phát triển nguồn nhân lực cho thương mại điện tử:

- Đạt khoảng từ 50% cơ sở giáo dục nghề nghiệp trở lên triển khai đào tạo về thương mại điện tử;

- Khoảng 1.700 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan quản lý nhà nước, sinh viên, người dân trên địa bàn tỉnh được tham gia các khóa đào tạo về kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử.

e) Tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 10%.

3.3. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030

a) Về quy mô thị trường thương mại điện tử:

- Đạt khoảng 80% người dân trên địa bàn 2 thành phố Vĩnh Yên, Phúc Yên và 50-60% người dân trên địa bàn các huyện tham gia mua sắm trực tuyến;

- Doanh số thương mại điện tử B2C (tính cho cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trực tuyến) chiếm hơn 20% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của tỉnh;

 b) Về hạ tầng các dịch vụ phụ trợ cho thương mại điện tử:

- Thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt khoảng 80% trong đó thanh toán thực hiện qua các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán chiếm khoảng 80%;

- Chi phí trung bình cho chuyển phát và hoàn tất đơn hàng chặng cuối chiếm khoảng 10% giá thành sản phẩm trong thương mại điện tử;

- 100% các giao dịch mua hàng trên trang web/ứng dụng thương mại điện tử có hóa đơn điện tử.

c) Về ứng dụng thương mại điện tử trong doanh nghiệp:

- 100% trang web thương mại điện tử có tích hợp chức năng đặt hàng, thanh toán trực tuyến; 58 - 70% doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử, bao gồm mạng xã hội có chức năng sàn giao dịch thương mại điện tử;

- 70% doanh nghiệp tham gia hoạt động thương mại điện tử trên các ứng dụng di động;

- 100% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông triển khai hợp đồng điện tử với người tiêu dùng;

d) Về phát triển nguồn nhân lực cho thương mại điện tử:

- 100% cơ sở giáo dục nghề nghiệp trở lên triển khai đào tạo về thương mại điện tử; - Khoảng 3.000 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan quản lý nhà nước, sinh viên, người dân trên địa bàn tỉnh được tham gia các khóa đào tạo về kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử.

e) Tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 20%.

Để hoàn thành mục tiêu trên, tỉnh dự kiến bố trí nguồn kinh phí hơn 20 tỷ đồng, bao gồm hơn 60% nguồn ngân sách Trung ương, ngân sách cấp tỉnh, còn lại là nguồn vốn xã hội hóa.

4. Các nhóm giải pháp phát triển thương mại điện tử đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Theo đó, để hoàn thành các mục tiêu và định hướng trên, Để án đưa ra các nhóm giải pháp phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Thứ nhất,  xây dựng chương trình, các cơ chế nhằm thúc đẩy phát triển thương mại điện tử trên nền tảng chuyển đổi số, phát triển kinh tế số;

Thứ hai, chính sách nâng cao năng lực quản lý và tổ chức hoạt động thương mại điện tử, đấu tranh chống các hành vi gian lận thương mại và cạnh tranh không lành mạnh trong thương mại điện tử;

Thứ ba, phát triển thị trường thương mại điện tử và xây dựng lòng tin của người tiêu dùng;

Thứ tư, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử;

Thứ năm, tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát, phát huy vai trò các hội, hiệp hội ngành nghề trong tỉnh và hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp.

Tổ chức thực hiện đề án bao gồm các Sở Công Thương, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị như Công an tỉnh, Cục Thuế tỉnh,  Cục Quản lý thị trường tỉnh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Vĩnh Phúc cùng các UBND  huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan; Các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Trong đó, Sở Công Thương có trách nhiệm:

- Là cơ quan đầu mối, chủ trì, phối hợp với đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương, các sở, ngành, đơn vị liên quan và các địa phương trong tỉnh xây dựng Kế hoạch chi tiết để tổ chức thực hiện có hiệu quả các nội dung tại Đề án nhằm hoàn thành các mục tiêu phát triển TMĐT đề ra trong giai đoạn đến năm 2030. Đồng thời, có trách nhiệm hướng dẫn, hỗ trợ, đôn đốc các đơn vị, địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện các nhiệm vụ phát triển TMĐT; chủ động đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển TMĐT.

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan lập dự toán chi tiết các nội dung hoạt động triển khai thực hiện Đề án, gửi Sở Tài chính thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện. Đồng thời, tranh thủ các nguồn tài trợ từ các chương trình, dự án của Trung ương, các tổ chức thương mại trong và ngoài nước, và huy động nguồn xã hội hóa từ các doanh nghiệp để triển khai thực hiện Đề án.

- Triển khai các chương trình thông tin, truyền thông về thương mại điện tử. Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông trong việc điều tra, thống kê tình hình ứng dụng thương mại điện tử của các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh để xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung cho hoạt động QLNN về Thương mại điện tử và phục vụ công tác đấu tranh chống hàng giả, gian lận thương mại trên môi trường mạng.

- Tiếp nhận kiến nghị, phản ánh của các tổ chức, cá nhân liên quan và những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện Đề án để kiến nghị, đề xuất UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung nội dung Đề án cho phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh và hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương có liên quan.

 - Kiểm tra, giám sát việc thực hiện Đề án, tổng hợp kết quả thực hiện, đề xuất giải pháp, báo cáo UBND tỉnh và Bộ Công Thương theo quy định./.

Đỗ Thị Bích Thủy

Phòng thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT

BÀI VIẾT KHÁC