Trong 6 tháng đầu năm 2024, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức song hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại trên địa bàn tỉnh đã có nhiều điểm sáng, tiếp tục phục hồi và tăng trưởng, cụ thể như sau:
Về sản xuất công nghiệp
Theo báo cáo của Cục Thống kê Bắc Ninh, tháng 6 chỉ số phát triển công nghiệp (IIP) tăng ở cả 2 gốc so sánh tháng trước và cùng tháng năm trước, phân tích diễn biến IIP toàn ngành và cụ thể ở các ngành công nghiệp cấp 1, cấp 2 so với các gốc so sánh ta thấy:
- So với tháng trước: Chỉ số IIP toàn ngành công nghiệp tăng 4,57%, trong đó: ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 4,6%; tiếp đến là ngành ngành công nghiệp cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,06% và sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 0,36%. Xét theo ngành công nghiệp cấp 2, có 15/24 ngành có chỉ số sản xuất tăng, một số ngành có chỉ số tăng cao như: Sản xuất đồ uống tăng 23,93%; Sản xuất thiết bị điện tăng 25,49%; đáng chú ý là ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học là ngành công nghiệp trọng điểm, chiếm tỷ trọng lớn nhất và có đóng góp nhiều nhất tăng 4,66%. Ở chiều ngược lại, có 09 ngành công nghiệp cấp 2 có chỉ số sản xuất giảm, trong đó có 02 ngành có chỉ số IIP giảm sâu là: Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 11,58% và Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn giảm 18,91%, các ngành còn lại có mức giảm không kể như: Sản xuất sản phẩm thuốc lá giảm 1,57%; Dệt giảm 0,76%; In, sao chép bản ghi các loại giảm 0,48%;...
- So với cùng tháng năm 2023: IIP toàn ngành công nghiệp tăng rất cao: 27,63%, trong đó: Xét theo ngành công nghiệp cấp 1, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng nhiều nhất: 7,71%; tiếp đến là ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 24,32% và ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 14,88%. Xét theo ngành công nghiệp cấp 2, có tới 19 ngành có chỉ số sản xuất tăng, một số ngành có chỉ số tăng cao là: In, sao chép bản ghi các loại tăng 83,66%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 61,99%; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 42,95%; đặc biệt phải kể đến Ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng đột biến: 28,78%. Tuy vậy, vẫn có 05 ngành công nghiệp cấp 2 có chỉ số giảm, cụ thể là: sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 3,31%; Sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu giảm 8,91%; Sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 2,96%; Sản xuất giường, tủ, bàn ghế giảm 5,28% và Khai thác, xử lý và cung cấp nước giảm nhẹ 0,08%.
Tính chung 6 tháng, chỉ số IIP toàn ngành công nghiệp tăng 5,49%, trong đó: Xét theo ngành công nghiệp cấp 1, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 5,41%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 13,34% và ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 22,27%. Xét theo ngành công nghiệp cấp 2, có tới 20 ngành có chỉ số IIP tăng, trong đó một số ngành có mức tăng rất cao như: In, sao chép bản ghi các loại tăng 76,87%; Sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 51,68%; Thoát nước và xử lý nước thải tăng 26,35%; đáng chú ý ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng khá: 5,09%. Ở chiều ngược lại, chỉ có 04 ngành có chỉ số IIP giảm, cụ thể: Sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 3,97%; Sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 6,65%; Sản xuất máy móc, thiết bị khác chưa được phân vào đâu giảm 9,84% và Sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 20,38%.
Về thương mại, dịch vụ
Tháng 6, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 8.578,7 tỷ đồng tăng 1,7% so với tháng trước và tăng 13,5% so với cùng tháng năm trước, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa ước 6.257 tỷ đồng, tăng 0,3% và tăng 10,8%; doanh thu dịch vụ ước 1.432 tỷ đồng, tăng 4,4% và tăng 22,2%. Quý II, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước 25.280 tỷ đồng, tăng 2,5% so với quý trước, tăng 11% so với quý II/2023.
Tính chung 6 tháng, tổng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước 49.931 tỷ đồng, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 51% kế nhoạch; trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa 37.394 tỷ đồng chiếm tỷ trọng nhiều nhất 74,9% và tăng 5,7%; doanh thu hoạt động lưu trú, ăn uống 4.551 tỷ đồng, tăng 4,9%; doanh thu dịch vụ 7.748 tỷ đồng, tăng 23,4%.
Về xuất, nhập khẩu hàng hóa
Kim ngạch xuất khẩu tháng 6/2024 ước 3,6 tỷ USD, tăng 7,6% so với tháng trước và tăng 5,7% so với tháng 6/2023. Nhập khẩu tháng 6/2024 ước 3,3 tỷ USD, tăng 3,4% so với tháng trước và tăng 18,2% so với tháng 6/2023. Lũy kế, 6 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu trên địa bàn quản lý (Bắc Ninh, Bắc Giang và Thái Nguyên) của Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh đạt 79,9 tỷ USD bằng 104% so cùng kỳ năm 2023. Trong đó, tại Bắc Ninh tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 33,2 tỷ USD bằng 92% cùng kỳ năm 2023 (xuất khẩu 17,3 tỷ USD, nhập khẩu 15,9 tỷ USD). Số thu ngân sách của Bắc Ninh đạt 3.930 tỷ đồng bằng 125% cùng kỳ năm 2023 và đạt 56% chỉ tiêu được giao…
Loại hình xuất nhập khẩu chủ yếu gồm: Hàng hoá xuất nhập khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế của các doanh nghiệp chế xuất, miễn thuế và một số loại hình có thuế như, nhập khẩu máy móc thiết bị; Nhập khẩu kinh doanh sản xuất; Nhập khẩu tiêu dùng. Hiện nay, xuất khẩu của tỉnh Bắc Ninh giữ vững vị trí thứ 2 chỉ sau Thành phố Hồ Chí Minh, nhập khẩu vẫn duy trì đứng thứ 3 cả nước. Như vậy, cùng với xu hướng tăng trở lại của sản xuất công nghiệp, cán cân thương mại trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh vẫn nghiêng về xuất siêu. Hiện nay, xuất khẩu hàng hóa của tỉnh Bắc Ninh giữ vững vị trí thứ 2 chỉ sau Thành phố Hồ Chí Minh, nhập khẩu vẫn duy trì đứng thứ 3 cả nước.
Nhiệm vụ, giải pháp cho các tháng cuối năm 2024
Để thực hiện thành công mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2024, trong đó có mục tiêu tăng trưởng GRDP, các Sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh cần thực hiện nghiêm túc các giải pháp trong Chỉ thị số 01/CT-UBND về những nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Cục Thống kê đề xuất giải pháp cho ngành công nghiệp, thương mại cụ thể như sau:
Đối với ngành công nghiệp chế biến chế tạo:
- Bám sát diễn biến tình hình kinh tế thế giới, biến động giá xăng dầu trong năm 2024 để có các giải pháp kịp thời điều tiết phù hợp, hiệu quả với những biến động trên từng thời điểm trong năm.
- Theo dõi và chủ động ứng phó iệu quả với xu hướng bảo hộ và các hàng rào kỹ thuật thương mại ở các thị trường, kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh triển khai phương án sản xuất kinh doanh, khai thác tốt thời cơ, cơ hội do các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại để xúc tiến thương mại, thúc đẩy hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; tăng cường công tác phối hợp liên ngành để tháo gỡ khó khăn, giải quyết các dự án đang tồn động, dự án còn vướng mắc ở từng ngành, lĩnh vực để khơi thông nguồn lực, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
- Chủ động đảm bảo cung ứng điện phục vụ nhu cầu điện tiêu dùng và sản xuất đặc biệt trong những tháng cao điểm trong quý III, quý VI năm 2024.
Đối với các hoạt động thương mại - dịch vụ: Đây là ngành vẫn có dư địa để phát triển đáng chú ý là một số ngành trong 6 tháng đầu năm có tăng trưởng thấp hoặc có mức tăng trưởng âm như Bán buôn bán lẻ; dịch vụ lưu trú ăn uống; thông tin truyền thông; kinh doanh bất động sản; giáo dục và đào tạo; hoạt động dịch vụ khác, như vậy các ngành này vãn còn tiềm năng phát triển. Một trong các ngành dịch vụ có sức lan tỏa phải kể đến ngành du lịch. Tăng cường xúc tiến, quảng bá phát triển du lịch, gắn với văn hóa của địa phương, từ đó sẽ kéo theo các ngành dịch vụ khác phát triển.
- Ưu tiên phát triển những ngành dịch vụ có lợi thế, hàm lượng tri thức, công nghệ và giá trị cao, dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng bảo hiểm, logistics, du lịch.
- Tiếp tục tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, đồng thời quan tâm phát triển, tận dụng tối đa tiềm năng thị trường trong cả nước. Quản lý, hỗ trợ ngành bán lẻ phát triển có thể mang lại lợi ích cho nhiều chủ thể và hiệu ướng dây chuyền của các ngành sản xuất khác.
- Đối với hoạt động ngân hàng tín dụng (hiện nay tín dụng tăng thấp) trong khi đây là hoạt động giữ vị trí đặc biệt quan trọng trong việc bổ sung vốn cho các hoạt động kinh tế, đáp ứng nhu cầu việc làm và các vấn đề xã hội khác. Trong khi đó có nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng do đó cần có giải pháp: Chỉ đạo, định hướng các ngân hàng dành phần vốn tín dụng đặc biệt cho hoạt động trong các lĩnh vực xuất nhập khẩu, sản xuất kinh doanh những mặt hàng thiết yếu, sử dụng lao động, tham gia vào các công trình trọng điểm của tỉnh; Hiệp hội doanh nghiệp của tỉnh cần chủ động tìm hiểu những khó khăn của doanh nghiệp từ đó kiến nghị với tỉnh, tiếp đó kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ về các vấn đề của doanh nghiệp trong tình hình hiện nay./.
Đinh Thị Bích Liên
Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT