TIN TỨC

Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương

Trang chủ >> Tin tức

Đại diện Ban Xúc tiến hợp tác quốc tế -VIOIT tham dự Tọa đàm "Khoa học vì cuộc sống” và Lễ trao giải VinFuture 2024

12/12/2024

Tuần lễ Khoa học - Công nghệ và Lễ trao giải VinFuture 2024 do Tập đoàn Vingroup tổ chức tại Hà Nội từ ngày 4 đến 7 tháng 12 là sự kiện quốc tế quan trọng, thu hút sự tham gia của những nhà khoa học hàng đầu và các nhà lãnh đạo trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và công nghiệp. Với chủ đề "Bứt phá kiên cường" sự kiện không chỉ tôn vinh những thành tựu xuất sắc trong nghiên cứu khoa học mà còn thúc đẩy các giải pháp đổi mới để đối mặt với những thách thức toàn cầu, từ biến đổi khí hậu đến phát triển bền vững. Sự kiện đã ghi dấu ấn mạnh mẽ về vai trò của Việt Nam trong việc kết nối khoa học với thực tiễn, đồng thời khẳng định tầm vóc của VinFuture trên bản đồ khoa học thế giới.

Được sự phân công của Lãnh đạo Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương  (VIOIT) các nhà khoa học trẻ VIOIT đã tham dự buổi tọa đàm, có cơ hội giao lưu, học hỏi từ học giả, chuyên gia trong nước và quốc tế. Tại Trung tâm hội nghị quốc tế Almaz, Vinhomes Long Biên, Tiến sĩ Trịnh Quốc Vinh và Thạc sỹ Trần Gia Hiển đã có cơ hội trao đổi trực tiếp với Giáo sư Richard Henry Friend về cách Việt Nam có thể tận dụng các tiến bộ khoa học công nghệ để thúc đẩy phát triển bền vững trong ngành Công Thương. Việc hỗ trợ và định hướng cho các nhà nghiên cứu trẻ là ưu tiên hàng đầu, không chỉ nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao mà còn hướng đến xây dựng một nền khoa học công nghệ tiên tiến phục vụ cho sự phát triển ngành Công Thương Việt Nam.

Tại tọa đàm "Khoa học vì cuộc sống, các nhà khoa học hàng đầu thế giới đã cùng chia sẻ góc nhìn, thảo luận sâu sắc về những chủ đề có tầm ảnh hưởng lớn như "Vật liệu cho tương lai bền vững", vai trò quan trọng của các vật liệu tiên tiến trong việc thúc đẩy năng lượng tái tạo và giảm thiểu khí thải carbon. Giáo sư Richard Henry Friend, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng VinFuture, một trong những nhà vật lý hàng đầu thế giới, đã trình bày về những tiến bộ trong công nghệ pin mặt trời sử dụng vật liệu silicon và perovskite. Ông khẳng định rằng các vật liệu tiên tiến không chỉ giúp tăng hiệu suất mà còn giảm chi phí, tạo cơ hội mở rộng quy mô ứng dụng năng lượng tái tạo, từ đó đóng góp vào mục tiêu Net Zero toàn cầu. Cùng lúc đó, Giáo sư Marina Freitag từ Đại học Newcastle, Anh, đã giới thiệu về pin mặt trời chất màu nhạy quang (DSSC), một bước đột phá trong việc tận dụng ánh sáng từ môi trường xung quanh để chuyển hóa thành năng lượng. Với những cải tiến này, DSSC không chỉ là công nghệ xanh mà còn mở ra hướng đi mới cho các ứng dụng năng lượng sạch trong tương lai.

Trong phiên thảo luận thứ hai với chủ đề "Triển khai AI trong thực tế" Giáo sư Yann LeCun, một trong những "cha đẻ" của trí tuệ nhân tạo và hiện là Giám đốc Khoa học AI tại Meta, đã mang đến góc nhìn sâu sắc về cách AI đang làm thay đổi cách thức nghiên cứu và sản xuất. Theo ông, AI không chỉ giúp tối ưu hóa các quá trình mà còn mở rộng khả năng nghiên cứu vật liệu mới, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, Giáo sư cũng nhấn mạnh rằng AI không phải là giải pháp toàn năng mà cần được ứng dụng một cách cẩn trọng, dựa trên cơ sở dữ liệu phong phú và đáng tin cậy.

Phiên thảo luận thứ ba, "Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới" đã nhận được sự quan tâm đặc biệt khi thảo luận về những vấn đề bức thiết trong bối cảnh đô thị hóa và phát triển kinh tế toàn cầu. Các chuyên gia đã đề xuất các giải pháp nhằm cải thiện chất lượng không khí và hệ thống giao thông, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của sự phối hợp giữa công nghệ và chính sách trong việc giải quyết các vấn đề này. Phiên thảo luận cuối cùng, "Đổi mới trong chăm sóc sức khỏe tim mạch và điều trị đột quỵ" đã quy tụ các chuyên gia y tế hàng đầu, trình bày các nghiên cứu tiên tiến trong việc ứng dụng dữ liệu lớn và AI để cải thiện hiệu quả điều trị, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Tại phiên thảo luận này, TS. Trịnh Quốc Vinh đã chia sẻ với các nhà khoa học về một số thông tin chức năng nhiệm vụ của VIOIT, các chiến lược ngành hiện đang thực hiện như Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chiến lược phát triển ngành sữa, thép. Bày tỏ sự quan tâm đến các chiến lược ngành, Giáo sư Marina Freitag, Giáo sư Richard Henry Friend hy vọng sẽ có cơ hội được hợp tác với VIOIT trong các nghiên cứu sắp tới.

Điểm nhấn của Tuần lễ Khoa học - Công nghệ là Lễ trao giải VinFuture 2024, diễn ra vào tối ngày 6 tháng 12 tại Nhà hát Hồ Gươm. Với sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cùng nhiều lãnh đạo cấp cao khác, sự kiện đã tôn vinh những công trình nghiên cứu mang tính đột phá, có tác động sâu rộng đến nhân loại. Các giải thưởng được trao bao gồm giải chính trị giá 3 triệu USD và ba giải đặc biệt trị giá 500 nghìn USD mỗi giải, dành cho các nhà khoa học nữ, các nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển, và những nghiên cứu trong các lĩnh vực mới. Số lượng đề cử năm nay đạt gần 1.500, tăng gấp nhiều lần so với các mùa giải trước, thể hiện tầm vóc và uy tín quốc tế của VinFuture. Các nhà khoa học đoạt giải không chỉ là những cá nhân xuất sắc mà còn đại diện cho các nhóm nghiên cứu toàn cầu, với những đóng góp mang tính đột phá trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, khoa học vật liệu, y học, và năng lượng bền vững.

TS. Trịnh Quốc Vinh

Trung tâm tham vấn WTO và FTAs - VIOIT

Một số hình ảnh tại các sự kiện:

TIN KHÁC